Bí quyết xây dựng chế độ dinh dưỡng cho trẻ mầm non mà ba mẹ nào cũng nên biết!
Ở độ tuổi phát triển đầu tiên, phần lớn các bé thường chỉ thích ăn những thứ chứa nhiều đường như bánh kẹo hay nước ngọt. Nhưng Cha mẹ đâu biết rằng đây là giai đoạn mà bạn đặc biệt phải quan tâm và chú trọng đầu tư vào chế độ dinh dưỡng cho trẻ nhất. Muốn con lớn lên được khỏe mạnh và tăng cường trí thông minh vượt bậc, Cha mẹ cần duy trì bổ sung cho bé những dưỡng chất ngay từ khi còn nhỏ. Chế độ dinh dưỡng cho trẻ mầm non đóng một vai trò vô cùng quan trọng cần cho sự phát triển cân đối, toàn diện của trẻ về thể chất và trí não.
Vậy xây dựng thực đơn theo tháp dinh dưỡng cho trẻ mầm non cần đảm bảo đầy đủ các nhóm chất nào và tuân theo nguyên tắc ra sao? Hãy cùng Mầm non DCA khám phá những cách chăm con tốt nhất thông qua thói quen ăn uống lành mạnh. Tạo nền tảng vững chắc và điều kiện cho con được phát huy tối đa tiềm năng sẵn có bên trong mỗi đứa trẻ.
Tháp dinh dưỡng cho trẻ mầm non có đặc điểm gì?
Đây là mô hình dạng hình tháp nhọn giúp cung cấp các thông tin về các nhóm thực phẩm và lượng nên sử dụng trong mỗi bữa ăn hằng ngày của trẻ mầm non. Từ đó, cha mẹ cũng như nhà trường có thể dựa vào để xây dựng chế độ dinh dưỡng hợp lý, khoa học giúp các bé được phát triển toàn diện về thể chất và tư duy lẫn tinh thần.
Bên cạnh đó, tháp dinh dưỡng còn giúp cha mẹ hay những người chăm sóc trẻ dễ dàng trong việc lựa chọn thực phẩm cần cho nhu cầu phát triển của bé, cũng như hình thành thói quen ăn uống lành mạnh và cân bằng lượng thực phẩm mà trẻ tiêu thụ.
Các nhóm chất cần có trong chế độ dinh dưỡng cho trẻ mầm non
Theo tháp dinh dưỡng cho trẻ mầm non, các thực phẩm ở đỉnh tháp thì nên cho bé tiêu thụ ít hơn so với những loại thực phẩm ở dưới chân tháp. Trong đó, tháp dinh dưỡng gồm có 7 tầng tương ứng với các nhóm chất cần thiết cho sự phát triển của trẻ như sau:
Nhóm thực phẩm chứa tinh bột
Một nguồn dưỡng chất cần thiết và không thể thiếu cả trong thực đơn 3 bữa chính của trẻ chính là tinh bột. Nếu chế độ dinh dưỡng không được bổ sung tinh bột, bé sẽ dễ mệt mỏi và không muốn vận động vì không đủ năng lượng. Mặc khác, tinh bột còn giúp nuôi dưỡng các tế bào trong hệ thần kinh của trẻ nhỏ, giúp nâng cao sự phát triển của não bộ và nhận thức về sự vật sự việc xung quanh.
Những nguồn tinh bột tốt, có lợi cho sức khỏe mà ba mẹ có thể tham khảo để thêm vào khẩu phần ăn hằng ngày của bé như cơm, cháo, ngũ cốc, yến mạch nguyên cám, bánh mì, khoai lang, khoai tây,…
Nhóm thực phẩm giàu đạm
Chất đạm hay còn gọi là protein, là nhóm chất thiết yếu trong chế độ dinh dưỡng cho trẻ mầm non. Nếu không được cung cấp đủ những thực phẩm chứa đạm, về lâu dài bé sẽ chậm phát triển, dễ bị bệnh cũng như gặp khó khăn trong việc hấp thu và chuyển hóa dinh dưỡng trong cơ thể.
Do đó, ba mẹ có con nhỏ cần chú ý bổ sung đủ chất đạm trong mỗi bữa ăn của bé từ các nguồn thực phẩm như thịt, cá, trứng, sữa, hải sản, hay các loại đậu, nấm, rau chân vịt,…
Nhóm chất béo có lợi
Một nhóm thực phẩm cũng quan trọng không kém cho một chế độ dinh dưỡng hợp lý của trẻ đó là chất béo. Theo các chuyên gia dinh dưỡng, ở độ tuổi này trẻ cần được cung cấp lượng chất béo thích hợp, bởi khoảng 60% não bé là cấu thành từ chất béo trong những năm phát triển đầu đời. Các thực phẩm chứa chất béo tốt phải kể đến như dầu thực vật, các loại cá biển, bơ, sữa, các loại hạt,…
Nhóm chất xơ, khoáng chất và vitamin
Sau ngũ cốc, nhóm thực phẩm xếp vị trí thứ ba trong tháp dinh dưỡng cho trẻ mầm non, và trẻ cần tiêu thụ đủ khoảng 4 đơn vị rau quả (2 đơn vị rau củ, 2 đơn vị trái cây) để bổ sung đủ các khoáng chất, vitamin và lượng chất xơ cần thiết mỗi ngày.
Hoa quả và rau xanh chứa nhiều chất xơ tốt cho hệ tiêu hóa và ngăn ngừa bệnh táo bón ở trẻ. Ngoài ra, một số loại vitamin có trong trái cây còn giúp trẻ tăng sức đề kháng và phòng chống các bệnh cảm cúm thông thường như vitamin C có trong cam, quýt hay vitamin A trong cà rốt và cà chua giúp sáng mắt,…
Vì trẻ nhỏ thường không thích ăn rau xanh, củ quả nên cha mẹ hãy linh hoạt chế biến chúng bằng nhiều cách để trẻ hấp thu tốt hơn như nấu canh, xào, luộc, ăn sống, ép nước, làm salad, xay sinh tố,…
Sữa và các chế phẩm từ sữa
Sữa và các sản phẩm từ sữa như sữa chua, phô mai, váng sữa đều là những thực phẩm giàu canxi, vitamin và đặc biệt là nguồn cung cấp vitamin D cực kỳ tốt cho sự phát triển trí não cũng như chiều cao cho trẻ. Theo tháp dinh dưỡng, trẻ trong độ tuổi mầm non cần uống ít nhất 2 ly sữa mỗi ngày để đảm bảo sự tăng trưởng. Tương đương với 100g sữa bột, 400ml sữa tươi, 100g sữa chua hoặc 15g phô mai.
Nhóm gia vị đường và muối
Đường và muối là nhóm thức ăn nằm trên đỉnh tháp nên cần hạn chế cho vào khẩu phần ăn hằng ngày của bé. Tuy nhiên, không hẳn là loại bỏ hoàn toàn mà bé vẫn cần được bổ sung nhưng chỉ ở mức thấp. Theo tháp dinh dưỡng cho trẻ mầm non thì mỗi ngày cần nạp ít hơn 3 đơn vị đường và muối (< 15g), trong đó muối là nguồn cung i-ốt chính yếu cho cơ thể.
Nhóm đồ uống
Các chuyên gia luôn khuyến cáo cha mẹ cho bé trong độ tuổi mầm non uống khoảng 6 ly nước (khoảng từ 1.6 – 2 lít) mỗi ngày. Đặc biệt, đối với những đứa trẻ hiếu động, chạy nhảy thường xuyên thì cần bổ sung đủ để tránh bị mất nước. Tuy nhiên, không phải hoàn toàn chỉ là nước lọc mà bạn có thể thêm sữa hoặc nước trái cây tươi để cung cấp đủ lượng canxi, vitamin D và các vi chất cần thiết cho trẻ phát triển.
Nguyên tắc khi xây dựng chế độ ăn theo tháp dinh dưỡng cho trẻ mầm non
Một số nguyên tắc ba mẹ cần nắm khi xây dựng chế độ ăn cho trẻ mẫu giáo dựa theo tháp dinh dưỡng bao gồm:
– Đảm bảo bổ sung đầy đủ và cân đối các nhóm chất cơ bản như tinh bột, chất đạm, chất béo, chất xơ, các loại vitamin và khoáng chất cần thiết.
– Thay đổi thực đơn phong phú và chế biến đa dạng để vừa thay đổi khẩu vị lại có thể giúp trẻ cảm thấy ngon miệng hơn. Để làm được điều này, ba mẹ nên thay thế các thực phẩm trong cùng tầng của tháp dinh dưỡng, nhưng lưu ý không được thay thế các tầng khác nhau.
– Cung cấp đủ năng lượng cần cho trẻ hoạt động mỗi ngày, ví dụ như nhu cầu năng lượng của trẻ trong độ tuổi từ 3 đến 5 là khoảng 1.230 – 1.320kcal/ngày.
– Lựa chọn thực phẩm, xây dựng thực đơn theo mùa và sở thích của bé. Như mùa hè thì nên ưu tiên các món thanh mát, tăng cường cho trẻ uống các loại nước ép rau xanh, hoa quả và hạn chế những món chiên rán nhiều dầu,… Đồng thời, cũng nên lựa chọn ăn những thực phẩm theo mùa để đem lại chất lượng dinh dưỡng tốt nhất.
– Ngoài việc đảm bảo bữa ăn đầy đủ dưỡng chất theo tháp dinh dưỡng cho trẻ mầm non, ba mẹ cũng cần chọn lựa thực phẩm an toàn trước khi chế biến. Để không ảnh hưởng đến sức khỏe các con như rau củ, thịt cá, trái cây đảm bảo phải tươi sống, nuôi trồng hữu cơ, không ôi thiu, nấm mốc, hay sử dụng hóa chất.
– Đặc biệt, một số bé có thể bị dị ứng với những loại thực phẩm như trứng, hải sản, sữa, các loại hạt,…Vì vậy, hãy theo dõi phản ứng trên cơ thể của bé sau khi ăn, để tránh cho bé sử dụng trong những lần tiếp theo.
Một số thực đơn dinh dưỡng gợi ý dành cho trẻ mầm non
Dựa vào tháp dinh dưỡng cho trẻ mầm non, cha mẹ có thể xây dựng thực đơn đối với từng bữa ăn của bé đảm bảo đầy đủ dinh dưỡng và năng lượng. Trẻ trong giai đoạn này cần đủ 3 bữa chính và 2 đến 3 bữa nhỏ phụ, trong đó các nhóm chất được phân bổ theo tỷ lệ: tinh bột (52% – 60%), chất đạm (13% – 20%), chất béo (25% – 35%) và còn lại là chất xơ, vitamin, khoáng chất khác.
Sau đây là gợi ý thực đơn cho bé mà phụ huynh có thể tham khảo như:
– Bữa sáng: 1 bát cháo hoặc súp
– Bữa phụ sáng: 1 ly sữa hoặc ngũ cốc
– Bữa trưa: 1 bát cơm, canh rau nấu với thịt, cá kho và ít củ quả luộc.
– Bữa chiều: 1 hộp sữa chua, nước ép hoặc trái cây tươi.
– Bữa tối: 1 bát cơm, canh bí hầm cùng xương, gà kho và 1 trái táo.
– Bữa phụ tối: 1 ly sữa bò hoặc sữa hạt.