Các bậc phụ huynh đang nuôi con nhỏ hẳn đều sẽ có những mối quan tâm chung về chế độ dinh dưỡng cho các bé. Đặc biệt khi bé nhà bạn bước vào độ tuổi mầm non sẽ có sự phát triển rõ rệt và đáng kể về thể chất cũng như tinh thần. Vậy một chế độ dinh dưỡng cho trẻ mầm non thật khoa học và phù hợp là như thế nào theo ý kiến của các chuyên gia, mời bạn cùng Organica tham khảo ngay qua bài viết dưới đây!
Bảng chỉ số cân nặng tiêu chuẩn cho trẻ mầm non, mẫu giáo
Ở tuổi mầm non, mẫu giáo, mức tăng trưởng chiều cao và cân nặng của các bé có sự khác nhau giữa giới tính và phát triển qua từng năm. Các phụ huynh có thể tham khảo bảng chiều cao và cân nặng chuẩn của trẻ 3 – 5 tuổi (theo tiêu chuẩn của Tổ chức Y tế Thế giới – WHO) dưới đây:
Chỉ số chiều cao - cân nặng tiêu chuẩn của bé trai
Độ tuổi |
3 tuổi |
4 tuổi |
5 tuổi |
Chiều cao (cm) |
96.1 |
103.3 |
110 |
Cân nặng (kg) |
14.3 |
16.3 |
18.3 |
Chỉ số chiều cao - cân nặng tiêu chuẩn của bé gái
Độ tuổi |
3 tuổi |
4 tuổi |
5 tuổi |
Chiều cao (cm) |
95.1 |
102.7 |
109.4 |
Cân nặng (kg) |
13.9 |
16.1 |
18.2 |
Trong trường hợp bé nhẹ cân, suy dinh dưỡng hoặc thừa cân, để đánh giá một cách chính xác nhất tình trạng dinh dưỡng của bé, phụ huynh nên đưa bé đến các trung tâm dinh dưỡng uy tín để được tư vấn và thăm khám phù hợp.
Mời bạn xem thêm: Ăn dặm kiểu Nhật cho bé
Nhu cầu năng lượng của trẻ độ tuổi mầm non, mẫu giáo
Đối với trẻ mầm non, mẫu giáo (3 – 5 tuổi), nhu cầu năng lượng được các chuyên gia khuyến nghị trung bình khoảng từ 1.230 – 1.320 kcal/ngày. Trong đó, chất bột đường chiếm 52 – 60%, chất đạm chiếm 13 – 20%, chất béo chiếm 25 – 35% tổng năng lượng khẩu phần ăn của trẻ. Tham khảo tháp dinh dưỡng được WHO và Bộ y tế khuyến nghị sau: Cụ thể, lượng thực phẩm cần cung cấp trong khẩu phần ăn mỗi ngày của trẻ mầm non, mẫu giáo như sau:
Chất dinh dưỡng |
Số lượng/ngày |
Chất bột đường |
3 – 4 chén cơm (cháo đặc) |
Chất đạm (thịt, trứng, cá, tôm, cua,…) |
120 – 150g |
Chất béo (bơ, dầu mỡ,…) |
30g |
Rau củ, trái cây |
300g |
Vitamin A |
1.000UI |
Vitamin D |
400UI |
Canxi |
500mg |
Sắt |
6 – 7 mg |
Kẽm |
10mg |
Nước |
1.6 – 2 lít |
Các phụ huynh lưu ý, để cung cấp đủ nhu cầu canxi cho cơ thể của trẻ thì cần có 4 đơn vị sữa mỗi ngày (mỗi đơn vị sữa tương đương 100ml sữa, 100g sữa chua hoặc 15g phô mai). Bên cạnh một chế độ dinh dưỡng đầy đủ, phụ huynh cũng cần khuyến khích trẻ tham gia các hoạt động thể chất phù hợp để bé phát triển chiều cao và cân nặng một cách tốt nhất.
Theo khuyến cáo của WHO, trẻ ở độ tuổi 2 - 5 tuổi cần hoạt động thể lực với cường độ từ vừa trở lên thông qua các môn thể thao quen thuộc như bơi lội, đi bộ, chạy nhảy, đuổi bắt,... Không nhất thiết cho bé hoạt động trong suốt một khoảng thời gian mà có thể chia nhỏ các hoạt động này trong nhiều khoảng thời gian khác nhau, mỗi lần trên dưới 10 phút, ít nhất 60 phút/ngày.
Gợi ý các bữa ăn lành mạnh cho trẻ mầm non
Gợi ý các bữa ăn lành mạnh cho trẻ mầm non
Bộ Nông Nghiệp Hoa Kỳ (viết tắt là USDA) cùng Bộ Y tế và Dịch vụ Nhân sinh Hoa Kỳ (United States Department of Health and Human Services, viết tắt HHS) đã đưa ra Bữa ăn lành mạnh/cân bằng nhằm giúp cha mẹ chọn thực phẩm cho trẻ từ 2 tuổi trở lên dựa trên những nghiên cứu khoa học mới nhất về chế độ ăn và sức khỏe của trẻ. Bữa ăn lành mạnh được chia thành 5 loại nhóm thực phẩm, nhấn mạnh vào lượng dinh dưỡng sau đây:
Sử dụng trái cây nguyên miếng hoặc nước trái cây 100%. Trái cây tươi, đóng hộp, đông lạnh, hoặc sấy khô, hoặc ở dạng cắt nhỏ, xay nhuyễn đều được.
Rau củ càng đa dạng về màu sắc (xanh, xanh đậm, đỏ và cam) và chủng loại càng tốt. Theo các chuyên gia đến từ USDA và HHS kể trên, rau củ và trái cây nên chiếm 50% lượng khẩu phần ăn hàng ngày của trẻ, như vậy mới cung cấp đầy đủ cho bé các vitamin, chất khoáng, chất xơ cần thiết cho sự phát triển toàn diện về mọi mặt. Chú ý nên có sự đa dạng các loại rau củ và trái cây trong khẩu phần, ít nhất từ 2 loại rau củ mỗi màu, phần rau nên chiếm nhiều hơn phần trái. Nên cho bé ăn rau củ nguyên cái thay vì chỉ ép lấy nước bởi vì các chất dinh dưỡng chủ yếu nằm ở phần xác. Có thể sử dụng rau củ quả tươi, đông lạnh, hoặc sấy khô đều được.
Tất cả các loại thực phẩm được chế biến từ lúa nước, lúa mì, lúa mạch, yến mạch, bột ngô, các ngũ cốc khác,... Các chuyên gia dinh dưỡng khẳng định trẻ ở độ tuổi này cần được bổ sung ngũ cốc nguyên cám vào khẩu phần ăn. Các phần vỏ lụa, cám và mầm trong ngũ cốc nguyên cám rất dồi dào vitamin nhóm B, chất hóa thực vật, vitamin E và một số chất béo cần thiết yếu,...
Chất đạm
Đạm là thành phần dinh dưỡng không thể thiếu vì nó là nhóm chất cung cấp nguyên liệu giúp cơ thể bé phát triển. Đạm còn có khả năng sửa chữa các mô của cơ thể, thuộc thành phần cơ bắp, máu, kháng thể và các tuyến bài tiết, nội tiết,…
Đạm cung cấp tới 10 – 15% năng lượng cho cơ thể mà không thay thế bằng một loại chất dinh dưỡng nào khác được. Chất đạm có 2 loại: đạm động vật (thịt, cá, tôm, cua, trứng, sữa các loại như bơ, phô mai, sữa chua) và đạm thực vật (các loại đậu như đậu đỏ, đậu đen, đậu xanh, đậu trắng và các sản phẩm từ đậu nành có thể kể đến gồm đậu phụ, đậu tương lên men; các loại hạt và quả hạch như hạt chia, hạt vừng, hạnh nhân, óc chó,…). Để so sánh thì đạm thực vật có thể coi là nguồn cung cấp protein lành mạnh hơn cho trẻ vì nó không chứa chất béo xấu.
Dầu ăn góp phần cung cấp chất béo cần thiết cho sự phát triển thể chất, trí não của trẻ, đồng thời giúp tăng cường hấp thu vitamin A, D, E, K, do đó đây cũng là một loại thực phẩm được khuyến cáo đưa vào chế độ ăn hàng ngày của trẻ. Bên cạnh các nhóm thực phẩm trong bữa ăn lành mạnh, phụ huynh đừng quên lời khuyên của USDA và HHS về chế độ dinh dưỡng và vận động của trẻ.
Mỗi bữa ăn của trẻ nên giới hạn trong 30 phút. Gia đình nên ăn cùng trẻ để có sự tương tác và từ đó trẻ học theo hành vi ăn uống lành mạnh của chúng ta. Khuyến khích trẻ tham gia vào việc lựa chọn và chuẩn bị thức ăn vì việc này sẽ dạy cho trẻ cách lựa chọn thực phẩm tốt cho cơ thể.
Luôn cân nhắc chọn loại thực phẩm có các chất này khi có thể: canxi, magie, kali và chất xơ. Động viên, hướng dẫn trẻ vận động và tham gia hoạt động thể chất hàng ngày. Nhắc trẻ uống nước đủ và thường xuyên, nhất là sau khi hoàn tất hoạt động thể chất thì nên bổ sung nước trái cây, sữa,...
Thực đơn dinh dưỡng cho trẻ mầm non, mẫu giáo
Thực đơn dinh dưỡng cho trẻ mầm non, mẫu giáo
Một chế độ dinh dưỡng hợp lý, đầy đủ dành cho trẻ mầm non, mẫu giáo sẽ mang đến những ảnh hưởng tích cực lên sự phát triển thể chất, trí tuệ và thói quen ăn uống của trẻ trong tương lai. Dưới đây là một số nguyên tắc mà các bậc phụ huynh nên tuân thủ trong quá trình lên thực đơn hàng ngày cho bé nhà mình:
Cần cung cấp đủ năng lượng cho trẻ mỗi ngày, có sự cân đối giữa các nhóm chất cơ bản: chất bột đường, chất đạm, chất béo, vitamin, khoáng chất và chất xơ.
Linh hoạt xoay chuyển thực đơn phong phú, đa dạng để tăng khẩu vị của trẻ. Chủ động thay thế các thực phẩm trong cùng một tầng (trong tháp dinh dưỡng cho trẻ 3 – 5 tuổi) với nhau. Không thay thế thực phẩm tầng này với tầng khác.
Thực đơn nên được xây dựng theo mùa và tôn trọng sở thích của trẻ. Thực phẩm tiêu biểu của mùa nào nên ưu tiên sử dụng vào mùa đó, không nên sử dụng thực phẩm trái mùa. Thức ăn của trẻ nên được cắt nhỏ hoặc ninh nhừ để trẻ dễ nhai, dễ tiêu hóa.
Ưu tiên vệ sinh an toàn thực phẩm. Các loại thịt cá, rau củ luôn đảm bảo tươi sống, không ôi thiu, không lựa chọn những nguồn cung kém chất lượng vì có thể sẽ gây hại cho sức khỏe của trẻ.
Bữa ăn |
Món ăn |
Bữa sáng (6h30 – 7h30) |
Súp thập cẩm |
Bữa phụ (9h) |
Một ly sữa (200ml) |
Bữa trưa (11h – 11h30) |
- Cơm cá hồi kho thơm - Canh rau ngót thịt bằm - Đu đủ |
Bữa phụ chiều (14h – 14h30) |
Sữa chua (100ml) |
Bữa chiều (17h – 17h30) |
- Cơm gà kho nấm rơm - Canh cải bó xôi nấu tôm - Chuối |
Bữa tối (20h – 20h30) |
Một ly sữa (200m) |
Các lưu ý khi bổ sung dinh dưỡng cho trẻ mầm non
Như đã nói trên, bên cạnh việc xây dựng một chế độ ăn uống, vận động hợp lý giúp trẻ luôn có đủ năng lượng thì các phụ huynh cũng chớ nên bỏ qua các vitamin và khoáng chất quan trọng cho trẻ như vitamin A, vitamin C, vitamin D,... Một số ảnh hưởng không tốt của việc thiếu các vi chất lên cơ thể trẻ:
- Thiếu vitamin A: trẻ dễ bị khô mắt, khô da, sợ ánh nắng, chậm lớn, thường xuyên ho hoặc sổ mũi,...
- Thiếu các vitamin nhóm B (B1, B2, Biotin,...): trẻ biếng ăn, rối loạn tiêu hóa, cơ thể dễ bị phù, viêm bờ niêm mạc,...
- Thiếu vitamin C: trẻ có thể gặp tình trạng da khô, dễ chảy máu mũi, chảy máu chân răng
- Thiếu vitamin D: trẻ chậm tăng trưởng chiều cao, ngủ không ngon giấc
- Thiếu sắt: có thể dẫn đến tình trạng thiếu máu do thiếu sắt, xanh xao, hay quấy khóc, kém tập trung, khó ngủ,...
Đồng thời có một số loại thức ăn mà phụ huynh nên hạn chế đưa vào thực đơn của trẻ, bao gồm:
- Đồ ngọt và thực phẩm nhiều đường vừa khiến trẻ tăng cân vừa sâu răng.
- Thức ăn nhanh, đồ chiên rán dầu mỡ cũng khiến trẻ tăng cân không kiểm soát.
- Những món quá cứng, dễ ảnh hưởng đến răng của trẻ như các loại hạt, bánh kẹo cứng…
Trẻ tuổi mẫu giáo, mầm non có đặc điểm cơ thể phát triển gì?
Trẻ ở độ tuổi mẫu giáo, mầm non có một đặc điểm là rất năng động, ưa di chuyển. Trẻ sẽ thích thú dành nhiều thời gian chạy nhảy, leo trèo và vận động; ưa thích các hoạt động vẽ tranh, tô màu, cắt dán, lắp ráp lego, làm vòng tay, xâu chuỗi hạt,... Nhờ vào sự ưa thích vận động trong độ tuổi này mà kỹ năng vận động của trẻ được trau chuốt rất nhiều, tay chân trẻ phối hợp nhuần nhuyễn với nhau và với mắt trẻ.
Đặc biệt, trẻ mầm non cũng không còn hành động vô thức như độ tuổi trước đó mà đã biết hành động có mục đích, đặc biệt dưới sự hướng dẫn của người lớn như sắp xếp đồ vật theo hình dạng, màu sắc, biết tập các động tác thể dục theo sự hướng dẫn của người thân hay trên tivi, trẻ có khả năng tập trung lắng nghe và nói chuyện rành mạch hơn, biết hát theo đúng giai điệu và bắt đầu thắc mắc nhiều hơn về thế giới xung quanh.
Một điều thú vị nữa là, trẻ ở độ tuổi này ngày càng trở nên độc lập, tự tin hơn và thích tự đưa ra quyết định về nhiều sự vật xung quanh. Các bậc cha mẹ hẳn sẽ rất ngạc nhiên và thích thú trước sự thay đổi của trẻ mỗi ngày.
Xem thêm: Có nên cho trẻ ăn dặm sớm? Cách thiết kế bữa ăn dặm cho trẻ
Tăng trưởng các chỉ số về thể chất
Trong giai đoạn này, chiều cao và cân nặng của trẻ sẽ tăng đều đặn hàng tháng. Theo như ghi nhận thì mỗi tháng cân nặng của trẻ tăng từ 100-150g. Trung bình đến 5 tuổi cân nặng bình thường của trẻ dao động từ 18 đến 20kg. Các phụ huynh sẽ dễ dàng nhận thấy trẻ mẫu giáo, mầm non cao và có vẻ “mi nhon”, ít bụ bẫm hơn so với trẻ mới biết đi. Chiều cao mỗi tháng của trẻ sẽ tăng từ 1-1.5cm, chiều cao trung bình của trẻ 5 tuổi sẽ rơi vào khoảng 110cm.
Tăng trưởng các chỉ số về thể chất
Cùng với sự phát triển về chiều cao, cân nặng của trẻ mầm non, não bộ của các bé cũng có sự phát triển đáng kể. Trẻ từ 5 tuổi trở đi đã có thể thuần thục trong việc vận động toàn thân hoặc tham gia các trò chơi đá cầu, leo trèo, trốn tìm.
Phát triển trí não
Trí não của trẻ em lứa tuổi mẫu giáo, mầm non sẽ được phát triển mạnh mẽ thông qua các hoạt động hàng ngày như: giao tiếp, vui chơi, làm quen với đồ vật (về tên gọi và hình dáng). Đặc biệt thông qua những hoạt động thường ngày như nghe, nhìn, ngửi, nếm, sờ mó, cầm nắm,... khả năng tự làm giàu vốn sống, các giác quan của trẻ cũng có sự phát triển rõ rệt.
Sự tăng trưởng và phát triển thể chất, trí não đã kéo theo khả năng lẫn kỹ năng vận động của trẻ ngày càng hoàn thiện và tinh tế hơn. Sự phát triển ngôn ngữ của trẻ giai đoạn này cũng có mối liên quan chặt chẽ đến việc phát triển tư duy trực quan hành động, sự tập trung, trí nhớ của trẻ.
Hoàn thiện hệ tiêu hóa
Ở độ tuổi mẫu giáo, mầm non bé nhà bạn đã mọc đủ răng hàm và bắt đầu bước vào giai đoạn thay răng. Hệ tiêu hóa của trẻ dần trở nên hoàn thiện nhưng đối với một số loại thức ăn khiến dạ dày bị tổn thương như đồ cay hoặc đồ quá nóng, bạn không nên cho bé sử dụng. Phụ huynh cần nắm rõ về những cột mốc phát triển của trẻ nhằm kịp thời bổ sung chế độ dinh dưỡng cho trẻ mẫu giáo, mầm non phù hợp, đáp ứng đủ nhu cầu năng lượng và dưỡng chất cần thiết để trẻ phát triển toàn diện cả về thể chất lẫn trí tuệ.
Hoàn thiện hệ tiêu hóa
Tổng kết lại, điều phụ huynh cần quan tâm nhất trong việc xây dựng chế độ dinh dưỡng cho trẻ mầm non, mẫu giáo chính là bổ sung đầy đủ các nhóm chất quan trọng - những chất sẽ giúp trẻ phát triển tối đa về mặt thể chất, trí tuệ và tinh thần. Nếu các bậc phụ huynh nhận thấy chế độ dinh dưỡng mình dành cho bé không thể cung cấp đủ vitamin, hãy cân nhắc dùng thêm các loại viên uống bổ sung theo chỉ định của bác sĩ để đảm bảo cho bé một hệ tiêu hóa luôn khỏe mạnh, kéo theo một cơ thể phát triển hoàn thiện.